Nhân duyên ở Lâm Tỳ Ni

Tôi đã đặt chân đến vùng đất Phật. Ở đây, tôi nhận ra rằng sợi dây nhân duyên giữa người và người quả thật tồn tại. Quãng đường đến và ở lại Lâm Tỳ Ni là quãng thời gian tôi sẽ không bao giờ quên được cho đến khi tôi qua đời.

Viết để ca ngợi tuổi trẻ quá xá ngông cuồng và dữ dội của tôi và hai người bạn đồng hành dũng cảm.


Nơi Đức Phật đã sinh ra đời - Suối nguồn Hòa Bình

-----

Tôi đã đặt chân đến vùng đất Phật. Ở đây, tôi nhận ra rằng sợi dây nhân duyên giữa người và người quả thật tồn tại. Quãng đường đến và ở lại Lâm Tỳ Ni là quãng thời gian tôi sẽ không bao giờ quên được cho đến khi tôi qua đời (tôi hoàn toàn nghiêm túc đấy, trừ phi tôi bị mất trí nhớ giữa chừng. Mà đó là lý do vì sao tôi biên niên lại những dòng này nhỡ ngày ấy có xảy ra). Lâm Tỳ Ni không phải là một nơi du lịch để bạn có thể ngắm cảnh thiên nhiên, hưởng thụ xa hoa hay chụp ảnh check-in trên Facebook. Lâm Tỳ Ni không thuộc danh sách những địa danh cần chinh phục trong đời người và Lâm Tỳ Ni chẳng có gì cả - tôi thât sự có ý chẳng-có-gì-cả đấy, kể cả đèn đường. Lâm Tỳ Ni là nơi Đức Phật đã sinh ra, ở đây có hồ Ngài đã tắm và cây bồ đề linh thiêng nơi Ngài đã tu thành chánh quả.  Nếu các đoàn hành hương đã đến Ấn Độ hoặc Myanmar mà chưa đến Lâm Tỳ Ni, những chuyến hành hương trong cuộc đời họ vẫn chưa hề mang ý nghĩa hành hương trọn vẹn. Ví von Lâm Tỳ Ni tựa như Mecca của Hồi Giáo, Vatican của Thiên Chúa Giáo và Jerusalem của Do Thái cũng đúng đấy.

Bây giờ, để tôi kể cho bạn nghe về vùng đất thần bí mang tên Lâm Tỳ Ni và quá trình gian khó để đặt chân đến đó. Và tôi xin nhấn mạnh rằng, tôi-không-hề-đi-hành-hương. Đến Lâm Tỳ Ni vốn dĩ đối với tôi đã là một cơ duyên. Cuộc đời không chỉ là những chuyến đi, mà đối với tôi, nó còn là những thước film kịch tính mà nếu ở lì một chỗ, tôi sẽ không bao giờ có thể đảm nhận vai chính cho cuộc đời mình.

-----

6:30AM chúng tôi đã phải có mặt tại bến xe bus công cộng Kathmandu để bắt chuyến xe bus đến Lâm Tỳ Ni. Chúng tôi được biết là không có một chuyến xe nào "đàng hoàng" dành cho du khách đến Lâm Tỳ Ni cả, và chuyến xe bus chúng tôi sắp đón là chuyến tốt nhất mà Pabitra có thể mua hộ. Xe bus đến trễ gần 2hrs. Chúng tôi đã phải đứng trong cái lạnh của Nepal, thở phì phò ra khói, lọt thỏm giữa những người đàn ông Nepal chân chất thích khạc nhổ bừa bãi. Xe bus đến và dĩ nhiên là chúng tôi hoàn toàn thất vọng với chi phí mà chúng tôi đã bỏ ra. Tôi cũng không hiểu vì sao mọi chi phí ở Lâm Tỳ Ni lại đắt đến như thế, tiền phòng khách sạn ba sao dành cho ba người chúng tôi hai đêm bằng tiền phòng ở tại Kathmandu và Pokhara tám đêm cộng lại; nhưng, như tôi đã nói, chúng ta đôi khi không có lựa chọn nào tốt hơn.

Hành trình đến Lâm Tỳ Ni là hành trình nhớ đời. Tôi biết sau này cuộc đời tôi có khó khăn thế nào, tôi chỉ cần nghĩ về đoạn đường vượt qua để đến Lâm Tỳ Ni ấy thì chẳng còn gì phải sợ nữa. Vì Nepal có địa hình thung lũng - đồi núi - thung lũng nên từ thành phố đến thành phố đều phải băng qua bao nhiêu là đèo. Những tay tài xế Nepal là những tay tài xế "lụa" nhất thế gian. Đừng chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, vì bạn sẽ thấy đá rơi xuống những vực thẳm không đáy do bánh xe của bạn đang ở sát mép vực đấy (tôi chỉ nghe An kể lại thôi, tôi ngủ tít mắt trên xe mà. Cơ thể tôi vốn dĩ sinh ra dành cho việc di chuyển). Xe bus của chúng tôi chạy được 2/3 đoạn đường (chỉ còn 30 phút nữa chúng tôi sẽ đến được Lâm Tỳ Ni dự kiến vào 4PM) thì chết máy, tất cả hành khách phải xuống xe và chờ xe khác của công ty du lịch đến đón. Nghe đâu sau đó thì không có xe dự phòng nên phương án duy nhất là...hitchhike (*). Hitchhike không phải cho một người, hai người mà là...cho tất cả các du khách đang cùng chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni độ 20 người.

Lơ xe đã tách chúng tôi thành hai nhóm, một nhóm đến thẳng Lâm Tỳ Ni và một nhóm đến một thành phố khác gần Lâm Tỳ Ni. Chúng tôi đã may mắn vô cùng khi được một cặp vợ chồng từ Sikkim, Ấn Độ giúp đỡ cả một chặng đường đi. Chúng tôi phải đổi hai chuyến bus nữa, những chuyến xe bus đầy người ép vào nhau để đảm bảo rằng trên xe không còn một chỗ trống nào, cả đứng, cả ngồi. Nếu bạn đã xem bất cứ bộ film Bollywood nào và bắt gặp vài ba chiếc xe bus địa phương phải chồng chất cả người lên nóc xe thì chúng tôi đã ở trên chuyến xe ấy đấy - những hai lần (may mà những ngày tháng 12 trời lạnh ngắt nên chỉ có hành lý chúng tôi mới bị tống lên nóc xe thôi). Tôi đeo ba lô phía sau, lại đứng cuối trong số ba đứa, tiền bạc, tư trang quý giá, kể cả hộ chiếu cũng để hết trong ba lô và tôi không thể nào cục cựa được để mang ba lô lên phía trước. Vậy mà, tin tôi đi, tôi không mất một thứ gì cả, thậm chí lúc xuống xe còn quên cả túi sushi Daraz mua cho mang theo ăn chống đói, dân địa phương còn cầm lên và nhắc tôi đừng để quên nữa nhé. 1/3 của đoạn đường còn lại từ chỗ hỏng xe đến Lâm Tỳ Ni mất trọn...4hrs (và chúng tôi đã phải giữ nguyên một tư thế đứng trong vòng 1h30m. Những cô gái tuổi 26 siêu phàm!). Đến bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ hối hận và tự hỏi vì sao chúng tôi bị "nhồi nhét" lên ba chuyến xe ấy - những con người rất đẹp của Nepal đã xoa dịu bao nhiêu là mệt nhọc. Và quan trọng nhất, chúng tôi đã đến được Lâm Tỳ Ni!


Đôi vợ chồng tốt bụng đến từ Sikkim, Ấn Độ đã giúp đỡ chúng tôi hết sức nhiệt tình trong suốt quãng thời gian it ỏi của chúng tôi ở Lâm Tỳ Ni. Suốt gần hai thập kỷ kết hôn của mình, đây là lần đầu tiên họ được đi "hưởng tuần trăng mật" ở một vùng đất chỉ cách nhà có vài tiếng chạy xe, sau khi đã cho các con họ ăn học thành tài. Tôi vẫn còn một lời hứa mà khi biên niên lại ở đây vẫn chưa thực hiện được, đó là gửi cho họ chính tấm hình này đến Ấn Độ...

 

Lâm Tỳ Ni được biết đến như suối nguồn hoà bình. Ở Lâm Tỳ Ni không có gì cả, chỉ có chùa. Hầu hết tất cả các nước đều đóng góp xây một ngôi chùa ở nơi đây và tự hào nhất là ngôi chùa đầu tiên tại nơi đây là Phật Quốc Tự của Việt Nam. Chủ trì Phật Quốc Tự là thầy Huyền Diệu cũng là người khai sáng ra việc xây một phức hợp chùa thế giới tại nơi Phật sinh. Sau khi dùng xong bữa sáng với trứng chiên và bánh mì roti tại nhà dân địa phương, chúng tôi khởi hành vào khu vực của "Suối nguồn hạnh phúc". Ở Lâm Tỳ Ni những ngày cuối năm sương giăng đầy trời mờ mờ ảo ảo, làm trời đã lạnh càng thêm lạnh. Thay vì đi xe kéo, chúng tôi quyết định sẽ đi bộ để tham quan được hết các ngôi chùa trong "Suối nguồn", tiết kiệm tận 1500rupee đấy. Chúng tôi đi qua chùa Nhật Bản, chùa Thuỵ Sỹ, chùa Đức, chùa Trung Quốc, chùa Nepal, Chùa Myanmar, ....và ngôi chùa Việt Nam đóng cửa im lìm - đây là ngôi chùa duy nhất không mở cửa đón chào du khách. Sau đó tôi mới biết, thầy Huyền Diệu đã tiên phong xây dựng khu này với mục đích tu hành và thanh tịnh nơi đất Phật, chứ chưa bao giờ có nhã ý chào đón du khách thập phương. Mỗi ngôi chùa nơi đây đều mang các sắc thái khác nhau, hầu như trong mỗi ngôi chùa đều vẽ hoặc khắc lại trên tường lịch sử Phật Gíao và lịch sử của chính ngôi chùa đó.  Trên đường đi, chúng tôi gặp gia đình dì Lumni. Dì là người bản địa và đã đi hành hương ở Lumbini này ba lần rồi, nên dì sẵn sàng làm hướng dẫn viên cho chúng tôi, thỉnh thoảng kiêm luôn thợ chụp ảnh. Dì còn bảo, đã ba lần đi ngang qua Phật Quốc Tự, dì chưa bao giờ thấy cổng mở chào đón ai.



Những màu áo hành hương trong những ngày se lạnh cuối năm....


Ở Lâm Tỳ Ni sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà


Thật ra, mục đích của chúng tôi khi quyết định đến Lâm Tỳ Ni là...viếng thăm Phật Quốc Tự. Tôi thật sự muốn biết người Việt mình đã làm được những điều vĩ đại ở xứ người thế nào. Nghe dì Lumni nói thế, chúng tôi thật sự hoang mang. Dòng người chen chúc hành hương đông nghịt, chủ yếu là người Nepal và Ấn Độ, khoác lên người bao sắc màu nổi bậc đặc trưng dân Nam Á. Trên đoạn đường về, chúng tôi chọn một lối đi khác, hai bên là những cánh đồng hoang vắng cỏ cây đã héo úa xác xơ. Đến gần Phật Quốc Tự, chúng tôi thấy hai con sếu đang chơi đùa cùng nhau, lúc ẩn lúc hiện, lấp ló hai cái đầu đo đỏ ngồ ngộ. Chúng tôi ra khỏi "Suối nguồn" trong lòng vẫn vương vấn và tiếc nuối về hình ảnh của Phật Quốc Tự.

4PM, chúng tôi quay trở về khách sạn, bụi đường mờ mịt do tầm này các loại phương tiện đón đưa khách tấp nập. Chúng tôi không biết mình phải làm gì tiếp vì mục đích của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành. Đánh liều một phen, chúng tôi xác nhận Phật Quốc Tự ở đây là ngôi chùa Việt duy nhất, chúng tôi băng ngược dòng người quay trở lại "Suối nguồn" trong chạng vạng. Chúng tôi biết đây là việc làm hết sức nguy hiểm vì ở Lâm Tỳ Ni không có đèn đường và gần như là đồng không mông quạnh, nhưng không thể vượt đường xa vạn dặm để trở về trong hối tiếc. Trang bị kỹ đèn pin và một số vật dụng có thể tự bảo vệ được mình, ba đứa con gái chúng tôi lầm lũi và mạnh dạn tiến về Phật Quốc Tự.

Người gác cổng địa phương thấy chúng tôi thì từ chối cho vào với lý do "Xin lỗi thí chủ, ở đây chúng tôi chỉ tiếp đón người Việt". "Chúng tôi là người Việt Nam" (đây là giây phút chúng tôi cảm thấy...làm người Việt Nam thật quyền lực). "Tôi sẽ mở cổng cho các thí chủ vào, các thí chủ có thể nói chuyện với sư cô đằng kia bằng tiếng Việt. Nếu sư cô từ chối, các thí chủ phải đi ra". "Được thôi". Và ba chúng tôi đã hớn hở ra mặt gọi rất to "Cô ơi, chúng con là người Việt". Những gì chúng tôi trải nghiệm sau đó, chúng tôi biết những khó khăn và vất vả nào cũng xứng đáng. Cô Yến là Việt Kiều Mỹ, lặn lội về tận Lâm Tỳ Ni để hành hương và tu hành một tháng, lúc ấy đang trông chừng chùa giúp thầy Huyền Diệu đi giảng đạo ở Ấn Độ. Cô thậm chí còn chưa gặp thầy từ lúc đến nơi; vài đoàn đến thăm thầy cũng đã thất vọng quay về vài ngày trước. Lịch trình của thầy chẳng ai biết, ai hay.

Phật Quốc Tự là ngôi chùa Việt đẹp nhất tôi đã từng viếng thăm. Thầy Huyền Diệu tha hương đã lâu, nên cố gắng xây dựng chùa gần nhất với nỗi nhớ quê nhà. Chúng tôi leo lên đại điện nhìn ngắm xuống một bức hoạ đồng quê của Việt Nam thân thương, có thằng nhỏ cạo ba giá thổi sáo cưỡi trâu, có hoa sen duyên dáng lượn mình hình chữ S, có hình ảnh mô phỏng Chùa Một Cột đang xây dựng và quan trọng nhất là có một tảng núi băng giả dành riêng cho...bốn con sếu đầu đỏ quý hiếm chọn Phật Quốc Tự làm nơi trú chân. Loài sếu đầu đỏ được xem là đã gần như tuyệt chủng, trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 70 con, và ở Phật Quốc Tự này có ba con do một con vừa mới qua đời, được thầy chôn cất tử tế dưới núi băng. Tôi nghe nói bạn tình của nó lẻ loi và sẽ sớm quyên sinh theo, do loài sếu đầu đỏ chỉ sống theo cặp đôi và thuỷ chung với bạn tình mà chúng đã chọn. Chúng cứ đi loanh quanh không sợ người, mặc cho tôi đã đến gần để chụp ảnh. Chắc chúng biết rõ, ai đã đặt chân vào chốn thánh địa này, hẳn sẽ không săn lùng chúng. Vậy đó, mà tôi đã hiểu vì sao chúng chọn nơi đây làm nhà, và vì sao Phật Quốc Tự chỉ dành cho những ai dám vượt đường xa.


Một con sếu đầu đỏ đơn độc đã mất bạn tình...

Chúng tôi ngồi trên đại điện ngắm hoàng hôn sắp tắt thì nghe có vài ba người nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Ngỡ là có khách phương xa đến nơi, cô Yến dẫn bọn tôi xuống xem thì gặp...thầy Huyền Diệu vừa trở về từ Ấn Độ. Chúng tôi đã mồm chữ O, mắt chữ A và lắp bắp giới thiệu chúng tôi vừa đến từ Việt Nam. Trao đổi vài câu, thầy bảo cô dẫn chúng tôi lên lại đại điện và lấy cho chúng tôi mỗi đứa một cuốn Kinh Pháp Hoa mang về làm bùa hộ mệnh, dặn chúng tôi một câu mà tôi sẽ nhớ hoài "tụi con lên đại điện xin gì thì xin, có được thì không cần quay lại đây trả lễ. Cách trả lễ tốt nhất là hãy đối xử thật tử tế với những người xung quanh". Sau khi thầy đi, cô Yến có nói với chúng tôi rằng, Kinh Pháp Hoa thầy in từ Ấn Độ, rất quý và thầy chỉ dành cho những Phật tử lâu năm, có thể đọc và thấm kinh này, chúng tôi quả thật đã rất đặc biệt.

Tôi tin điều đó.

Tạm biệt cô ra về, trời đã sập tối. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác vì sáng hôm sau phải bắt chuyến xe bus 6AM để đến Pokhara. Đang loay hoay chẳng biết làm thế nào để thoát ra khỏi bóng tối, chiếc xe ngựa lộc cộc thấy chúng tôi quay vào ban chiều, đoán chừng chúng tôi sẽ quay ra nên đã đợi sẵn bên ngoài. Trời ạ, đây quả thật là điều kỳ diệu nhất chuyến đi. Chúng tôi những tưởng mình như ba nữ công tước đang được xe ngựa đưa thẳng đến nơi chờ diễn ra yến tiệc.

Đêm đó, chúng tôi đã có bữa tối ngon nhất trong hành trình chinh phục Nepal.

 


Một bát thukpa trứng và một ly lassi chuối kết thúc đêm cuối ở Lâm Tỳ Ni. Ôi, cuộc đời còn gì đẹp hơn...

-----

Lâm Tỳ Ni đã dạy cho tôi một điều rằng, thế giới bên ngoài kia có rất nhiều người xấu, nhưng người tốt chắc chắn còn nhiều hơn. Tôi đã không cầu xin điều gì ở đại điện ngoại trừ sức khoẻ cho Mẹ, nhưng tôi biết, tôi vẫn sẽ tử tế với tất cả những người xung quanh.

Tôi tự hào vì mình đã được đặt chân đến miền đất Phật (chú thích tôi theo đạo Thiên Chúa). Tập Kinh Pháp Hoa tôi đặt trên bàn thờ của bà ngoại quá cố của tôi. Lâm Tỳ Ni là suối nguồn hoà bình, mà hoà bình thì không có lằn ranh tôn giáo.

Đến được Lâm Tỳ Ni những ngày cuối năm ấy là hành trình tự hào nhất của tôi đấy, bạn ạ!

-----

.::Nat & her journeys::.

Lumbini, Nepal, Dec '14.

P.S: ai có đọc xong muốn đến Lâm Tỳ Ni để cảm nhận những điều huyền bí thì nên đặt xe riêng.

(*): hitchhike là một hình thức bắt xe đi nhờ đến một điểm nào đấy mà cả bạn và tài xế cùng thuận đường. Hình thức này khá phổ biến cho dân đi du lịch bụi.

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)