Ba chúng tôi cứ loanh quanh ở Boudhanath hơn cả nửa ngày, đi đúng một vòng quanh của tám đôi mắt, thấm mệt thì ngồi chễm chệ, lọt thỏm giữa một Boudhanath đông đúc, sưởi những ánh nắng mùa đông đẹp như chính những con người nơi đây. Rồi chúng tôi len lỏi qua những con đường trải đá thô, dẫn vào làng nối làng của người dân địa phương, mua vội vài ký quýt, vài ký dâu vườn nhà trồng ngọt lịm.
Nepal hứng chịu một trận động đất tàn khốc nhất trong 80 lịch sử vào tháng 04/2015. Tôi viết bài viết này khi Nepal chỉ còn là một đống tro tàn. Một năm đã trôi qua, tôi tin Nepal đã gượng dậy một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong ký ứ tôi, đã từng có một Kathmandu rất đẹp….
-----
Chúng tôi đến sân bay Tribhuvan vào lúc 19h35, vậy mà mãi đến hơn 23h mới ra khỏi sân bay. Sân bay Tribhuvan nhỏ xíu, vậy mà lại có cùng lúc vài ba chuyến bay “đổ bộ” xuống nên hành lý của chúng tôi cứ kẹt mãi tận phía sau.
Để tôi kể cho bạn nghe về một đất nước tưởng chừng như đã mất...
Hành lý ở Nepal được vận chuyển hoàn toàn bằng sức người giữa cái tiết trời 5,6 độ. Có xe lam chạy đến máy bay, người giúp nhau chuyền xuống cơ số hành lý từ máy bay, rồi xe sẽ đưa hành lý vào sân bay, lại dùng sức người chất cơ số hành lý đã vận chuyển đó vào băng chuyền, đưa đến cho hành khách. Chúng tôi chờ đợi lâu lắm, nhưng biết được như thế nên cũng chẳng dám kêu ca, vì chúng tôi hiểu, chẳng mấy ai có được cơ hội đặt chân đến những nơi tưởng chừng như đã mất.
Daraz – một người bạn đồng nghiệp thuộc tổng công ty - đón chúng tôi và chu đáo đưa chúng tôi về khách sạn Peak Point ở trung tâm Thamel. Những con đường mù mờ vì bụi và đèn đóm tối om om làm cho cái lạnh của đêm đông Kathmandu càng buốt. Tôi nhớ hoài từ lúc check in vào khách sạn và lên phòng tắm, đối với chúng tôi là cả “cực hình”. Cái giường ngủ tưởng chừng như là giường đóng băng, cô bạn đồng hành của tôi phải lên ủ ấm một lúc, thân nhiệt dần toả ra rồi thì tôi và một cô bạn khác mới lục đục kéo nhau lên nằm. Trời lạnh đến nước cũng không nóng nổi (Peak Point mà chúng tôi đặt là khách sạn 4* của Kathmandu rồi đấy). Đêm đầu tiên của bọn tôi kết thúc bằng việc ba đứa con gái thập phương thu hết can đảm, chui ra khỏi cái giường và chạy rầm rập xuống lễ tân xin tí nước nóng ăn mì gói với chà bông. Cậu nhân viên khách sạn trẻ tuổi dễ thương vô cùng, đi đun nước sôi chiều lòng ba cô gái từ xa đến muộn. Ba đứa nhìn nhau cười khanh khách rồi tự hỏi nhau làm sao cùng nhau vượt qua con trăng này ở Nepal.
—-
Sáng hôm sau, chúng tôi thả bộ dọc khu Thamel kiếm đồ lót dạ. Trong cuộc đời mình, tôi chưa gặp một nơi nào đầy bụi bặm như trung tâm Kathmandu. Hình như chúng tôi hít bụi còn nhiều hơn không khí. Tôi nghĩ, hành trang cần thiết nhất để đến viếng thăm Kathmandu có lẽ là một cái…khẩu trang. Chúng tôi tấp vội vào một tiệm ăn nhỏ sặc sỡ đặc trưng vùng Nam Á và gọi vài món thông dụng. Ẩm thực ở Nepal không đa dạng như những nơi khác, lại chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Hoa nên quanh quẩn chỉ có Momo (sủi cảo hấp), cơm chiên các loại thịt gà, thịt trâu, rau củ, mì xào, mì nước và lassi (một loại thức uống lên men như sữa chua của mình, có vài nơi chế biến như milk shake với cả trái cây các loại rất ngon). Nepal còn nghèo lắm nên điện thiếu và được cúp theo lịch, vậy nên chúng tôi chẳng ngạc nhiên tí nào khi các món của chúng tôi gọi phải mất rất lâu mới được mang ra.
Lót dạ bằng một bát soup nóng trong những ngày mùa đông và một li Lasse bổ dưỡng
Món Momo rau củ - một trong những món ăn từ ảnh hưởng bởi nền ẩm thực Trung Hoa
Có lẽ, nghe tôi kể đến đây, các bạn đã có thể hình dung ra vì sao tôi gọi Nepal là một nơi “lạc loài” so với một thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống. Cũng có lẽ, bạn nghe tôi kể đến đây thì chẳng còn mong muốn đến Nepal. Nhưng bạn à,…
Khi chúng tôi bắt xe đến Boudhanath, tôi biết chúng tôi đã thật đúng khi quyết định đến thăm một Nepal linh thiêng và màu sắc. Boudhanath không chỉ dành cho khách du lịch và còn dành cho cả người dân địa phương nơi đây. Đây là biểu tượng của Kathmandu nói riêng và cả Nepal nói chung. Cờ nguyện cầu treo xung quanh làm Boudhanath trở nên sống động lắm. Những căn nhà nghỉ nơi đây mang tên Hạnh Phúc. Bồ câu nhiều vô số kể, thảo nào mà ở Nepal hoà lành làm sao. Con người nơi đây hiền hoà vô cùng. Chúng tôi chụp hình chung với hai cậu bé nhỏ người Nepal, một cậu nhỏ lém lỉnh hơn còn hôn chụt vào má tôi, nói lớn “I Love You” rồi cười khúc khích chạy đi, một đoạn còn quay lại nhìn và vẫn bẽn lẽn cười.
Những đứa trẻ thiên thần đẹp tựa ánh nắng ấm áp vào những ngày cuối năm ở Kathmandu
Khi viết về những dòng này, tôi thât sự nguyện cầu cho những con người tôi đã gặp ngày ấy bằng an…
Tín ngưỡng rất được tôn sùng ở đây nên khói nhang thơm nồng hoà vào cái tiết trời lành lạnh, tạo ra bầu không khí chẳng lẫn lộn vào bất cứ nơi nào trên thế giới. Những lá cờ nguyện cầu đủ màu bay phấp phới trên nền trời Nam Á xanh dịu dàng – tôi thật sự không biết mình đã cho “ra đời” bao nhiêu là tấm ảnh đẹp về Kathmandu. Boudhanath có tám đôi mắt nhìn bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, là biểu tượng bảo vệ Kathmandu qua bao nhiêu thập kỷ rồi.
Ba chúng tôi cứ loanh quanh ở Boudhanath hơn cả nửa ngày, đi đúng một vòng quanh của tám đôi mắt, thấm mệt thì ngồi chễm chệ, lọt thỏm giữa một Boudhanath đông đúc, sưởi những ánh nắng mùa đông đẹp như chính những con người nơi đây. Rồi chúng tôi len lỏi qua những con đường trải đá thô, dẫn vào làng nối làng của người dân địa phương, mua vội vài ký quýt, vài ký dâu vườn nhà trồng ngọt lịm. Đói đói thì tấp vào một tiệm ăn của đôi vợ chồng người Tạng trên đường, gọi thử món Laphing lạnh mà cay cay và lạ miệng.
Đền Boudhanath linh thiêng đã gìn giữ Nepal từ bao nhiêu thập kỷ
Kathmandu còn được biết đến như là thành phố của bồ câu
Món Laphing lạ miệng, lạnh lạnh, cay cay của người Tạng
Đi mãi lại gặp một ngôi chùa người Tạng. Phật Giáo ở Nepal chủ yếu là Phật Giáo Tây Tạng. Những ngôi chùa Tạng đầy màu sắc chứ không ảm đạm một màu như các ngôi chùa theo trường phái Phật Giáo khác, làm cho cảnh trí cũng bớt u sầu hay tĩnh mịch hơn – tu hành thì cũng phải có sức sống – đó là những gì mà tôi thật sự cảm nhận về các ngôi chùa Tạng ở Nepal. Trong vườn, các chú sóc chạy loanh quanh và nhát người lắm, chú bảo vệ của chùa để một ít gạo, một ít nước sạch cho đứa nào đói và khát thì cứ đến ăn, uống. Thấy người lạ là chúng tôi đến gần chụp ảnh thì lại trốn biệt vào hốc cây. Hoá ra, sóc ở đây cũng hay thẹn thùng như các cô gái Nam Á xinh đẹp.
Tôi đã xoay một vòng các chuông cầu nguyện bằng an cho chính mình ở ngôi chùa này. Tôi hy vọng, nơi đây vẫn còn vẹn nguyên…
Tôi lưu lại ở Kathmandu chỉ hai ngày, lưu lại ở Nepal mười ngày, vậy mà tôi chưa bao giờ thấy đủ. Để viết ra hết những xúc cảm về nơi đây lại càng không đủ...
Tôi hứa, tôi sẽ còn viết mãi về Nepal.
Từng đàn bồ câu hòa bình, đậu trên những mái nhà mang tên Hạnh Phúc
----
.::Nat & her journeys::.
Kathmandu, Nepal, December ’14
(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)