Lạc lối ở Rome

Tôi nhớ hai đứa đã leo lên bao nhiêu bậc ở Spanish Steps để ngắm nhìn lại hình ảnh của Rome lần cuối trong những ngày hè tháng Sáu rực rỡ của miền Địa Trung Hải. Bầu trời Roma ngày cuối cùng trong chuyến đi của tôi năm ấy xanh thẳm mượt mà. Tôi nhớ...trai Ý sao đẹp một cách kỳ cục vậy nè? Hè năm ấy, tôi cũng đã có một Roman Holiday cho chính mình.


Patheon dưới ánh trăng xanh ngọt ngào, phảng phất chút tiếc nuối lòng tôi. 

Hè hai năm về trước, tôi đến Ý. Ngang dọc nước Ý không bao giờ già cỗi cùng tôi những ngày hè tháng Sáu còn có con bạn thân chí cốt. Đây quả thực là một chuyến đi đặc biệt vì đánh dấu việc đi châu Âu đầu tiên của chúng tôi cùng nhau, kéo theo sau đó là cố gắng không ngừng để thực hiện được những chuyến đi châu Âu cùng nhau hàng năm. Ý là cái nôi văn hóa, cái đẹp và nghệ thuật của nhân loại xưa và nay, nên khi đến Ý trải nghiệm, tôi thật sự coi đó là việc “sống” và “thở” thật sự của một đời người. Ý không phải là nước châu Âu đầu tiên tôi may mắn đặt chân đến, nhưng thú thật thì cảm giác trong tôi khi bay đến Ý chẳng khác nào lần đầu tiền được đặt chân đến châu Âu. Đối với tôi, Ý là châu Âu, châu Âu là Ý (giống cái cách nghĩ của dân phương Tây dành cho dân Á Đông làm tôi tức nghẹn mấy bận rằng Trung Quốc là châu Á, châu Á là Trung Quốc ấy). Tôi gọi như thế, vì những gì tinh hoa nhất, chẳng phải đều hội tụ ở Ý sao?

Tôi bay đến Rome cùng Qatar Airways, do đặt được vé từ…bốn tháng trước khi khởi hành nên giá vé rất dễ chịu. Chuyến bay vắng người vô cùng, vỏn vẹn cả khoang phổ thông hình như chỉ có 17-20 người thì phải. Sau này tôi mới biết, đa phần dân châu Âu không mấy có cảm tình với hãng hàng không Trung Đông này. Đó là một chuyến bay vô cùng thoải mái, tôi có hẳn một (và rất nhiều) hàng ghế dài để đánh vài giấc say sưa chặng Saigon – Qatar, và tiếp viên Trung Đông thì…đẹp trai, lịch thiệp thôi rồi.
—–

Rome chẳng khác nào một bức họa của Pablo Picasso. Ở Rome, thứ vô dụng nhất đối với tôi có lẽ là tấm bản đồ, vì nó thật chẳng giúp ích được gì cho chúng tôi cả. Tấm bản đồ thành phố của Rome chẳng khác nào bức tranh trừu tượng của Picasso cả (tôi xem mà chẳng hiểu gì). Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, việc duy nhất bạn nên làm ở Rome là…lạc lối. Thời gian ở Rome của chúng tôi không nhiều, nên chúng tôi chỉ muốn đi dạo đôi ba địa điểm nghệ thuật nổi tiếng . Đêm đầu tiên ở Rome, chúng tôi quyết định sẽ đến Trevi Fountain để quăng đồng xu và mưu cầu…mỗi đứa một điều ước. Chúng tôi ra khỏi B&B Oasis khi ánh nắng cuối ngày còn óng ánh và yêu kiều lắm. Những con đường ở Rome lên dốc xuống dốc, nhỏ hẹp, lát đá cũ kỹ và nghệ thuật thì ở khắp mọi nơi, thậm chí là ở ngã tư đường. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi với niềm tin bướng bỉnh rằng chúng tôi sắp đến Trevi Fountain rồi, sau khi tung đồng xu xong, chúng tôi sẽ được ăn một buổi tối linh đình đầu tiên ở thành La Mã cổ. 04hrs sau đó, chúng tôi mới đến được Trevi Fountain. Rome là một mê cung hoàn hảo và nó thật sự đã đóng vai trò đó thật tốt. Ở Rome, dường như các quy tắc không tồn tại. Rẽ vào bao nhiêu con hẻm nhỏ, đi ngược lên và xuống theo chỉ dẫn của tầm 20 người mà chúng tôi đã hỏi trên đường đi, chúng tôi đến được…đền Pantheon. Trăng rằm đêm hôm ấy soi rọi những ánh sáng xanh dịu dàng xuống Pantheon, đưa chúng tôi lạc vào thế giới của thần thoại La Mã. Những cây cột ở Pantheon to và cao không biết gấp bao nhiêu lần tôi, chỉ biết nhìn tôi như là Jack trong “Jack và cây đậu thần” (Jack & the beanstalk), còn những cây cột ở Pantheon là những cây đậu thần khồng lồ trơn tru và hoàn hảo.

Đấu trường Colosseum - tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của nhân loại. May mắn quá, nó vẫn trường tồn ở Ý. 


Tôi chăng khác nào chàng Jack tí hon trong Jack và những cây đậu thần khổng lồ


Ở Ý, nghệ thuật hiện hữu khắp khắp nơi

Rồi thì chúng tôi cũng đến được Trevi Fountain sau khi đã lạc lối đủ ở Rome, chân đã rã và bụng đã biểu tình. Ở Trevi Fountain đông nghịt người như thể đang diễn ra hội chợ vậy, hai đứa chúng tôi nhỏ người mà cũng phải chen chúc mãi mới tiến lên được phía trước để tung đồng xu và quay một cái clip để chứng tỏ mình đã tới đây (những việc “trẻ trâu” này tôi chắc chỉ có thể tranh thủ làm lúc này mà sẽ không bị chỉ trích). Ở đây, chúng tôi đã nguyện cầu hai điều ước: một là, chúng tôi ước gì được ăn một bữa thịnh soạn để vỗ về cơ thể đã hoạt động quá mức cho phép; hai là, chúng tôi ước gì không phải đi bộ một đoạn đường tương tự về nhà nữa. Ngay sau đó, chúng tôi đã vào nhà hàng bên cạnh Trevi Fountain gọi một phần pizza to nhất từ trước đến giờ tôi từng ăn và một đĩa pasta đậm chất Ý, tráng miệng bằng gelato và sau đó thì bắt taxi đi về lại B&B Oasis.

Thế là đêm đầu tiên ở Rome, tôi học được hai bài học sâu sắc: một là, chỉ có chúng ta mới có thể thực hiện được ước mơ của mình, đừng trông chờ vào ai cả kể cả những vị thánh; hai là, đích đến chưa chắc đã đúng như những gì chúng ta kỳ vọng, đó chỉ là mục tiêu để chúng ta cố gắng, những gì chúng ta đạt được trên đường đi mới đáng giá xiết bao. Đến Rome, nếu không lạc lối, chúng tôi đã lỡ mất một Pantheon vàng rực hào sảng đứng dưới ánh trăng xanh và món tiramisu xấu xí nhưng quên ngon sầu.


Đừng bao giờ quên thử món Tiramisu ngon quên sầu khi ở Ý, nhé. 

—–

Tôi chỉ ở Rome ba ngày, nhưng khi phải nhớ về nó, tôi không thể gói ghém trong 1000-2000 chữ. Đối với tôi, kỷ niệm về Rome cũng trường tồn như chính Rome vậy.

Tôi nhớ mình đã phải vật vã giao tiếp với cô tiếp tân chỉ nói tiếng Ý như thế nào để lên được phòng mình, đến mức cả hai cùng phát cáu và đỏ mặt tía tai vì ngôn ngữ hình thể cũng chẳng giúp được bao nhiêu (do đặt Bed & Breakfast nên chúng tôi không có những dịch vụ như khách sạn phổ thông).

Tôi nhớ lần đầu tiên được đi cái thang máy lồng nhỏ xíu cổ điển và cũ kỹ chỉ có ở châu Âu, tôi đã thích thú thế nào; sau đó thì chật vật với nó và cái valise thế nào. Sau này đến Pháp, chui vào cái thang máy lồng hai cửa đó, tôi cũng còn nhớ hoài cảm giác đầu tiên sử dụng nó ở Ý.
Tôi nhớ cái phòng ngủ đáng yêu và ấm áp màu xanh lá cây hiện đại pha lẫn truyền thống ở B&B Oasis.

Tôi nhớ hai đứa con gái cứ nhảy lên xe bus mà đi từ điểm này đến điểm khác, dọc ngang Rome không tốn một xu teng tiền vé, do đi đến đâu thì các bác tài xế xe bus toàn cho đi miễn phí. Chẳng ai mở một lời, cứ giơ ngón cái ra hiệu lên xe, đến nơi lại gọi bọn tôi xuống. Mà, chúng tôi sẽ không phiền đâu nếu bị lạc lối ở Rome lần nào nữa.

Tôi nhớ hai đứa con gái mua một bị cherry cuối mùa to đùng ăn thay bữa sáng, ăn thay rau, ăn thay tráng miệng chỉ có 3-4EUR. Những trái cherry Địa Trung Hải đỏ như rượu chín bóng loáng và ngon, ngọt vô cùng.

Tôi nhớ hình ảnh nam thanh, nữ tú ăn mặc thời thượng, dáng người ai cũng dong dỏng, thanh mảnh lượn lờ thành cổ như sải bước trên một sàn diễn thời trang chuyên nghiệp.

Tôi nhớ hai đứa đã rú rít nhảy cẫng lên khi nhìn thấy sự hoành tráng của tàng tích Colosseo, chẳng được bao lâu thì chặc lưỡi…bỏ cuộc sau khi thấy một hàng người dài dằng dặc đang rồng rắn vào bên trong đấu trường vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.

Tôi nhớ hai đứa chúng tôi đã ăn trưa ở một nhà hàng màu hồng ngọt ngào đáng yêu phải biết mang tên Roman Holiday, bên trong nhà hàng lưu lại bao nhiêu là hình ảnh trắng đen của Audrey Hepburn và Gregory Peck trong bộ film “Roman Holiday” (*). Món ăn chúng tôi  gọi hôm đó chúng tôi đùa là…hoành thánh Tây (vì bánh gói như hoành thánh của châu Á, nhưng lại sốt thêm cà và phô mai).


Bữa ăn trưa cuối cùng của chúng tôi ở Ý, ở cái nhà hàng còn tiếc nuối hoài nhan sắc của công chúa Ann

Tôi nhớ hai đứa đã leo lên bao nhiêu bậc ở Spanish Steps để ngắm nhìn lại hình ảnh của Rome lần cuối trong những ngày hè tháng Sáu rực rỡ của miền Địa Trung Hải. Bầu trời Roma ngày cuối cùng trong chuyến đi của tôi năm ấy xanh thẳm mượt mà.

Tôi nhớ…trai Ý sao đẹp một cách kỳ cục vậy nè?

Hè năm ấy, tôi cũng đã có một Roman Holiday cho chính mình.
—–

.::Nat & her journeys::.
Rome, Italy, June ’13

(*): Roman Holiday là một bộ film nổi tiếng của đạo diễn William Wyler 1953, nói về cô công chúa Ann do Audrey Hepburn thủ diễn đã có một chuyến công du đáng nhớ ở Roma – vai diễn đã mang về cho bà giải Academy danh giá cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

(Nội dung bài viết được chia sẻ bởi Nat Nguyen. Vui lòng ghi rõ nguồn gốc By Nat Nguyen hoặc www.vivavivu.com khi chia sẻ bài viết)


Một đám cưới giữa trưa hè trên những bậc thang Spanish. Ở Ý, người ta cùng "sống" và cùng "thở".